“Chữ nhẫn quý hơn vàng”
Từ xa xưa, tổ tiên ta muốn các thế hệ con cháu luôn luôn nhớ và thực hiện đức tính "nhẫn" đã nghĩ ra cách, dùng kim loại chế tác một cái vòng xỏ vào ngón tay để luôn nhắc nhở ta, rèn luyện lời ăn tiếng nói, hành vi cử chỉ sao cho tốt đẹp, gọi đó là cái "nhẫn".Đức tính nhẫn nại được biểu hiện ra bên ngoài là sự khiêm hạ kính nhường; tiềm ẩn nơi tâm là lặng lẽ chiếu soi. Người có tính nhẫn nại luôn đủ sức dung nạp tất cả những tạp loạn do hoàn cảnh hay con người đưa đến, không sợ bị quấy rầy; người có tính nhẫn nại luôn đủ sức quán chiếu những tạp niệm vọng tưởng trong tâm, hóa giải phiền não.
Suốt chiều dài lịch sử đất nước, trước những biến cố lịch sử, đức nhẫn nại của người Việt Nam đã thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Họ đã từng nén nhịn trước sự cai trị hà khắc của các triều đại phong kiến và cũng rất giỏi chịu đựng trước những thảm cảnh của quốc gia, dân tộc, trước những giai đoạn chiến tranh hỗn loạn, để từ đó mà đất nước Việt Nam mới từng bước giành lấy độc lập, cuộc sống hạnh phúc và sự phát triển như ngày nay.
Giáo sư Vũ Trọng Khánh trong cuốn “Văn hóa gia đình Việt Nam” đã viết: “Được võ trang bằng chữ nhẫn, con người có thể có một sức mạnh tinh thần, sẵn sàng đối phó với bao thách đố, và tin tưởng vào tương lai. Biết nhẫn, là tạo cho mình cái tính: dũng cảm và bình tĩnh. Biết nhẫn là phải có tình, cái tình sâu sắc mà chân thành hơn bao giờ hết...Trong đấu tranh cách mạng, không biết nhẫn, không tạo ra được thời cơ và không đối phó được với bao nguy cơ dồn dập”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gưong sinh động về thực hành chữ nhẫn- đây cũng là yếu tố làm nên cốt cách, đạo đức của Người và “văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh”.
Trở lại lịch sử cách mạng và đức nhẫn nại mà Bác dạy cho thế hệ chúng ta:
Ngày 28.02.1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết, theo đó Tưởng nhường cho Pháp được đưa quân ra miền Bắc Việt Nam thay thế quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Pháp nhường cho Tưởng một số quyền lợi kinh tế, chính trị ở Trung Quốc. Sau khi ký kết, quân Tưởng không chịu về nước mà vẫn cố tình ở lại nước ta tranh thủ vơ vét. Quân Pháp do lực lượng có hạn nên muốn đàm phán với ta để được hòa bình đem quân ra miền Bắc. Trong khi đó, bọn tay sai của Tưởng (Việt quốc, Việt cách) lại ra sức kích động, ngăn cản ta đàm phán với Pháp, âm mưu đẩy ta vào cuộc chiến tranh quá sớm khi lực lượng chưa chuẩn bị xong. Cách mạng Việt Nam đứng trước một tình thế hiểm nghèo, nhân dân Việt Nam đứng trước sự lựa chọn giữa một trong hai con đường: đánh hay là hòa với Pháp. Với cái tâm trong sáng (một lòng vì nước, vì dân) và lòng dũng cảm, Đảng, Chính phủ ta, đứng đầu là Hồ Chủ tịch, quyết định nhân nhượng nhưng có tính nguyên tắc: “hòa để tiến”. Ngày 6.3.1946, Hiệp định sơ bộ giữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa với chính phủ Cộng hòa Pháp (đại diện là Xanh -tơ-nuy) đã được ký kết. Nhân cơ hội này, bọn phản động trong nước điên cuồng bôi nhọ, vu cho Bác và Chính phủ là “bán nước”, “phản bội lợi ích dân tộc”… Lịch sử sau này đã chứng minh hành động của Bác là cực kỳ sáng suốt và đúng đắn: Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 rõ ràng là bước đi ngoạn mục để đuổi 20 vạn quân Tàu Tưởng ra khỏi miền Bắc, tránh việc cùng một lúc ta còn yếu phải đối phó với nhiều kẻ thù; buộc Chính phủ Pháp phải công nhận trên pháp lý Việt Nam là một quốc gia tự do; kéo dài thêm một thời gian hòa bình quý báu để xây dựng lực lượng, chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài mà ta biết rằng sẽ không tránh khỏi; đồng thời, thể hiện thiện chí hòa bình của ta, tranh thủ thêm sự đồng tình ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới. Giáo sư Vũ Trọng Khánh nhận định rất xác đáng rằng: “Không biết nhẫn, Hồ Chí Minh không ký được Hiệp định mùng 6 tháng ba”.
Tháng 5.1946, khi Hồ Chủ tịch sang Pháp đàm phán đã gửi gắm, dặn dò lại cho quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng một câu nổi tiếng: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Ý sâu xa của Bác là: cần vì cái chung mà tạm gác việc riêng, hãy vì cái đại cục mà bỏ qua cái tiểu tiết, phải đặt vận mệnh quốc gia, an ninh của dân tộc lên trên hết. Đó cũng là một biểu hiện sinh động của việc hiểu và vận dụng chữ nhẫn vào thời điểm đặc biệt của lịch sử nước nhà: Tính mục đích phải luôn cứng rắn nhưng biện pháp để đạt mục đích phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo. Chính nhờ thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo này mà cụ Huỳnh và Chính phủ đã lãnh đạo giữ vững được chính quyền cách mạng còn non trẻ, đập tan âm mưu đảo chính của bọn Việt gian phản động, tiêu biểu là khám phá và đưa ra ánh sáng vụ án phố Ôn Như Hầu.
Chữ nhẫn được Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hành không chỉ trong đấu tranh cách mạng mà cả trong quan hệ đồng chí, đồng bào. Các nhà nghiên cứu thống nhất đi đến nhận xét: Ở Hồ Chí Minh, nhẫn không phải là “dĩ hòa vi quý” mà là hình thức đấu tranh: đấu tranh thầm lặng, đấu tranh có lý, có tình để đi đến thắng lợi cuối cùng theo tinh thần: dùng sức tối thiểu mà giành thắng lợi tối đa. Nhẫn là kết quả của sự kết hợp hài hòa và tuyệt vời giữa nhân và trí, giữa tình cảm nồng nàn và lý trí sáng suốt. Năm tháng đi qua, thời thế biến đổi song nội hàm của chữ nhẫn theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, thiết nghĩ vẫn luôn có giá trị bất biến, xứng đáng là di sản tinh thần, là bài học quý báu trong mọi thời đại. Xét thấy trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước và quốc tế hiện nay, chúng ta càng cần phải ngẫm lại những lời dạy của Bác. Nhẫn nại và sáng suốt luôn đi đôi với nhau, học cách nhẫn nại chúng ta có đủ sáng suốt để tìm được cách làm đúng. Ngược lại “giận mất khôn” luôn là nhược điểm của người thiếu nhẫn nại, từ đó dễ dẫn đến những sai lầm. “Nhu thắng cương, nhược thắng cường” hãy xét trên thế và lực của người, của ta mà hành động. Xem lại gương xưa tích cũ, chúng ta thấy có biết bao bậc anh tài làm nên nghiệp lớn đều được hun đúc bởi lòng kiên trì nhẫn nại mà ra. Thời thế tạo anh hùng, nhưng một mai anh hùng sanh ra chưa phải thời thì phải biết kiên gan chờ đợi, phải biết gầy dựng, chắt chiu, đi từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh… thế mới là tầm xa! |
-----* Cây Sung Dâu *-----