Như đã nói ở bài viết trước, lần này tôi xin quay lại bàn về các nội dung còn lại trong bài viết: “Viết và viết lại lịch sử” của tác giả Nguyễn Hưng Quốc được đăng tải trên Blog cùng tên của Ông.
Trước khi đi vào bàn luận về những nội dung còn lại trong bài viết, tôi xin nói về giá trị của lịch sử trong tiến trình lịch sử dân tộc. Trên tất cả mọi ý nghĩa, không ai có thể phủ nhận vai trò của nhận thức lịch sử trong quá trình vận động phát triển. Ở Việt Nam thời quân chủ, sử học và yêu cầu nhận thức lịch sử được đặc biệt coi trọng, từ các chính thể, giới nho sĩ, rồi ở một mức độ nhất định, phổ biến trên bình diện xã hội. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thời kỳ Pháp thuộc, truyền thống yêu nước quật khởi của dân tộc luôn được nhấn mạnh và thực sự là một nội lực tinh thần to lớn có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nhất là sau ngày miền Bắc được giải phóng, việc nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu lịch sử được thành lập tại các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học Trung ương và địa phương. Một nền sử học Việt Nam mới hình thành và phát triển và đã đạt được những thành tựu to lớn, trên cả hai phương diện nghiên cứu và đào tạo, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gần đây, trước những bức xúc về vấn đề dạy và học sử và sự thờ ơ của một bộ phận xã hội đối với lịch sử dân tộc, ngành Lịch sử đang tập trung vào việc biên soạn các bộ sách mang tính phổ thông nhằm phổ biến tri thức lịch sử và đặc biệt là sự tìm tòi, đổi mới trong cách thể hiện vừa đảm bảo tính hệ thống, vừa đảm bảo tính hấp dẫn và đặc biệt là tính khách quan và trung thực của sử học.
Trong bối cảnh hiện nay, với sự đa dạng của tư liệu như Hồi ký của các nhà cách mạng tiền bối, những luận điệu giả khoa học của các nhân vật bên ngoài không có thiện cảm với chính quyền thì việc trao đổi, chia sẻ tìm hiểu tiểu sử thông qua những người khác cần phải thận trọng, bởi có thể sẽ sự nhầm lẫn do những người cung cấp thông tin có thể nhớ nhầm hay nhớ không đủ đặc biệt những người lớn tuổi thường không nhớ chính xác về thời gian. Bên cạnh đó cũng lưu ý khi sử dụng hồi kí để tìm hiểu tiểu sử, hồi kí có khi chỉ là sự miêu tả, kể lại những sự kiện, sự việc tuy nhiên chi tiết, diễn biến cụ thể về những sự kiện, sự việc ít khi được nói tới. Do vậy khi nghiên cứu, tìm hiểu thông qua những hồi kí chú ý đặt ra những câu hỏi liên quan đến quá trình diễn biến và cách thức của mỗi sự kiện, sự việc xảy… Viết lịch sử xã hội là viết về những người bình thường trong xã hội, lịch sử xã hội có phạm vi rộng nhưng vấn đề nêu lên rất cụ thể và cần đặt ra những câu hỏi trong tìm hiểu, nghiên cứu…
Trong khi đó, để cổ súy và kêu gọi viết viết lại lịch sử dân tộc, Ông Nguyễn Hưng Quốc nói: “Có thể nói, nhà cầm quyền không phải chỉ muốn giữ độc quyền trong việc quản lý hiện tại mà còn cả trong việc quản lý quá khứ. Họ muốn thực dân hóa cả ký ức của dân tộc. Chửi nhà Nguyễn, rồi sau đó, công nhận một số đóng góp của nhà Nguyễn là quyết định của họ. Phủ nhận Tự Lực văn đoàn, rồi sau đó, ca ngợi Tự Lực văn đoàn cũng là quyết định của họ. Cả việc viết và viết lại lịch sử đều nằm trong tay họ”.
Quá khứ và hiện tại vốn dĩ có mối quan hệ gắn bó, có mối liên hệ mật thiết với nhau. Để phục vụ việc phát triển đất nước Đảng, nhà nước ta đang huy động nội lực dân tộc mà yếu tố hàng đầu là khơi gợi ý thức dân tộc, nhắc lại quá khứ hào hùng dân tộc để hướng tới xây dựng động lực phấn đấu cho tương lai. Việc “quản lý quá khứ ” như Ông Nguyễn Hưng Quốc gọi cũng là hợp lẽ nếu đứng trên lập trường tôn trọng sự thật và đảm bảo tính khách quan.
Mặt khác, trong thời đại hiện nay cùng với sự bùng nổ khoa công nghệ và sự tiếp cận các thông tin khoa học không còn là chuyện khó khăn. Cho nên, với những thông tin không chính thống, sai lệch thì việc kiểm nghiệm rất là dễ dàng.
Không phải ai cũng viết được lịch sử dân tộc. Như đã nhấn mạnh ở bài viết trước, “Người tham gia viết và biên soạn lịch sử cần có những phẩm chất nhất định và họ phải có được những kỹ năng thuộc về chuyên môn để có thể hoàn thành công việc này.” Nhưng chính bản thân họ cũng chưa là con người hoàn hảo (Nhân bất thập toàn) cùng những khó khăn trở ngại mang tính khách quan khiến công việc viết và biên soạn lịch sử không thể hoàn toàn chuẩn xác.
Chính vì vậy, nếu có chuyện: “Chửi nhà Nguyễn, rồi sau đó, công nhận một số đóng góp của nhà Nguyễn là quyết định của họ. Phủ nhận Tự Lực văn đoàn, rồi sau đó, ca ngợi Tự Lực văn đoàn cũng là quyết định của họ” thì cũng là chuyện bình thường. Điều quan trọng là sau khi biết được sai sót đó, những người viết, biên soạn lịch sử dám nhìn nhận vào sự thật và có động thái sửa chữa để đảm bảo giá trị và tính khách quan.
Lịch sử dân tộc vốn có những khúc quanh, có những điều ẩn khuất mà bản thân những người đang sống tại hiện tại do năng lực, tư liệu chưa có thể soi xét hết được. Nó cần có quá trình để hiện nguyên sự thật. Chuyện về Tự Lực Văn Đoàn không có gì quá bất thường trong dòng chảy văn học cả. Dân chủ như Hoa Kỳ, sách truyện của đại văn hào Henry Miller cũng có thời kỳ bị cấm lưu hành trong xã hội Hoa Kỳ (nhưng rất thịnh hành ở Pháp). Cấm tác phẩm của Henry Miller rồi lại ca ngợi Henry Miller cũng là chuyện của nền dân chủ Hoa Kỳ. Tương tự, thuyết tiến hoá của Darwin thì trước đây Vatican cấm, nay cũng đã được Vatican nhìn lại. Và chuyện Galileo cũng thế thôi.
Ông Nguyễn Hưng Quốc viết tiếp: “Với lịch sử xa, còn thế; với lịch sử gần, lại càng hơn thế nữa. Tất cả những gì liên quan đến chiến tranh Việt Nam và sau đó, đều do họ viết. Theo quan điểm của họ. Tuyệt đối không thể có một tiếng nói nào khác. Họ giành sự độc quyền ấy một cách dứt khoát, kiên quyết, không hề nhân nhượng. Và, cho đến nay, không hề mất cảnh giác.
Không thể nói là họ không thành công. Họ thành công ít nhất ở ba khía cạnh: Một, họ khống chế toàn bộ nội dung lịch sử được giảng dạy trong hệ thống giáo dục từ tiểu học đến trung học và đại học. Không có một tiếng nói khác nào lọt vào được để làm nhiễu những tiếng nói của họ. Hai, họ cũng kiểm soát được toàn bộ các xuất bản phẩm chính thức ở trong nước. Một vài cách nhìn khác với quan điểm chính thống của họ đều hoặc bị cấm đoán hoặc bị thu hồi hầu như ngay tức khắc. Ba, cái lịch sử được họ viết hoặc viết lại ấy có khá nhiều ảnh hưởng đến giới học giả Tây phương, những người, một phần, có khuynh hướng chỉ tin cậy vào các văn bản viết; phần khác, do cả tin hay do tính toán, thường sử dụng các văn bản viết được xuất bản trong nước để làm tài liệu tham khảo, có khi là nguồn tài liệu duy nhất. Khi ảnh hưởng lên được giới học giả Tây phương, họ cũng có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau trên thế giới.”
Ở nhận định này, tôi cho rằng tôi tập trung vào 03 khía cạnh mà Ông Nguyễn Hưng Quốc bảo “Họ thành công ít nhất ở ba khía cạnh”.
Ở khía cạnh thứ nhât: Ông Nguyễn Hưng Quốc cho rằng: họ khống chế toàn bộ nội dung lịch sử được giảng dạy trong hệ thống giáo dục từ tiểu học đến trung học và đại học. Không có một tiếng nói khác nào lọt vào được để làm nhiễu những tiếng nói của họ.”
Ở bài viết trước có lúc tôi đã cho rằng, Ông Quốc không có tư duy của một người bình thường khi có những nhận định ngây ngô và nực cười. Và đến đây, tôi lại tiếp tục khẳng định ông Quốc không có tư duy của một người bình thường. Chế độ hiện chúng ta đang cố gắng xây dựng là chế độ XHCN – đó là bước phát triển và kết quả của cuộc đấu tranh gian lao của dân tộc ta trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Việc dạy lịch sử trong hệ thống giáo dục từ tiểu học đến trung học và đại học là một cách mà chúng ta cho thế hệ hôm nay biết về lịch sử hào hùng của dân tộc. Nếu nói rằng, việc làm này là “khống chế toàn bộ nội dung lịch sử” thì trên thế giới này có quốc gia nào không hành xử như vậy.
Từ nhận thức sai lệch đó, Ông Quốc còn thốt lên một câu đầy ngây ngô và ấu trĩ: “Không có một tiếng nói khác nào lọt vào được để làm nhiễu những tiếng nói của họ.”
Ở khía cạnh thứ hai: Ông Nguyễn Hưng Quốc cho rằng: “họ cũng kiểm soát được toàn bộ các xuất bản phẩm chính thức ở trong nước. Một vài cách nhìn khác với quan điểm chính thống của họ đều hoặc bị cấm đoán hoặc bị thu hồi hầu như ngay tức khắc.”
Ở nhận định này, lâu nay chúng ta chưa chấp nhận việc tư nhân tham gia vào quá trình xuất bản các văn hóa phẩm. Điều này, xuất phát từ những lí do đặc thù như theo Luật Xuất bản (sửa đổi) cơ quan, tổ chức được thành lập nhà xuất bản gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tàiliệu khoa học, học thuật. Nhà xuất bản cũng được tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu.
Để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xuất bản, luật đã mở rộng hợp lý sự tham gia của tư nhân trong các khâu khác nhau của hoạt động xuất bản. Nhưng do hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa – tư tưởng, cho nên để bảo đảm điều kiện có thể quản lý, kiểm soát được nội dung văn hóa – tư tưởng của xuất bản phẩm, Luật chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản.
Ở khía cạnh thứ ba: Ông Nguyễn Hưng Quốc cho rằng: “cái lịch sử được họ viết hoặc viết lại ấy có khá nhiều ảnh hưởng đến giới học giả Tây phương, những người, một phần, có khuynh hướng chỉ tin cậy vào các văn bản viết; phần khác, do cả tin hay do tính toán, thường sử dụng các văn bản viết được xuất bản trong nước để làm tài liệu tham khảo, có khi là nguồn tài liệu duy nhất. Khi ảnh hưởng lên được giới học giả Tây phương, họ cũng có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau trên thế giới.”
Phải chăng ở nhận xét này, Ông Nguyễn Hưng Quốc đang đánh giá cao những nhà viết sử dân tộc Việt Nam hiện nay. Họ không chỉ phản ảnh lịch sử dân tộc họ còn gây nên những hiệu ứng xã hội rộng lớn. Những giá trị lịch sử của dân tộc Việt Nam “có khá nhiều ảnh hưởng đến giới học giả Tây phương” (Như chính Ông Quốc nhận xét). Và đấy theo tôi đó là một tín hiệu mà chúng ta nên vui. Kho tàng lịch sử dân tộc Việt Nam với những sự kiện hào hùng gắn với cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã được thế giới biết đến, cảm thông và có những sự ủng hộ nhất định. Cũng có lúc Ông Nguyễn Hưng Quốc những lời đánh giá có lý, có tình.
Nhưng Ông Nguyễn Hưng Quốc lại tiếp tục có những bình luận tiếp theo: “Có điều, sự thành công của họ không trọn vẹn và càng lúc càng không trọn vẹn. Càng ngày càng có nhiều tiếng nói phi chính thống xuất hiện và để lại những dấu ấn lớn và sâu trong quần chúng, đặc biệt, giới trí thức. Lý do đầu tiên là nhiều người, ngay trong nội bộ đảng, không chấp nhận tham vọng độc quyền viết hoặc viết lại lịch sử của nhà cầm quyền. Họ muốn nói lên những sự thật mà họ từng nghe, thấy hoặc tham gia vào việc thực hiện. Ngày trước, có khi muốn nhưng người ta không dám bắt tay vào việc viết. Vì sợ. Sau ngày chủ nghĩa Cộng sản ở Nga và Đông Âu bị sụp đổ, người ta biết chắc những tiếng nói chính trực của mình, một lúc nào đó, sẽ được lắng nghe, bởi vậy, đâm ra tự tin và hứng khởi để làm việc hơn. Lý do thứ hai là nhờ internet. Ở Việt Nam, nhà nước có thể kiểm soát dễ dàng hệ thống báo chí và xuất bản. Bất cứ cuốn sách hay bài báo nào đi ngược lại quan điểm của họ, họ đều có thể tịch thu. Nhưng việc kiểm soát trên internet không phải dễ. Càng không dễ khi có thêm lý do thứ ba này nữa: sự liên thông giữa trong và ngoài nước. Trước, trong là trong và ngoài là ngoài. Năm 1979, để chuyển được tập thơ của mình ra với thế giới, Nguyễn Chí Thiện đã phải chấp nhận 12 năm tù (1979-1991). Năm 1982, chỉ vì cầm tập thơ chép tay Về Kinh Bắc từ Hà Nội vào Sài Gòn, nhà thơ Hoàng Hưng đã bị bắt và ở tù 39 tháng, còn Hoàng Cầm, tác giả, thì bị 16 tháng tù.” Đằng sau dánh giá về sự đánh giá mang tính tích cực thì Ông Quốc lại có những nhận định hết sức mâu thuẫn. Ông cho rằng, hiện nay đang có nhiều luồng phản ứng lại những tư liệu lịch sử chính thống, “Càng ngày càng có nhiều tiếng nói phi chính thống xuất hiện và để lại những dấu ấn lớn và sâu trong quần chúng, đặc biệt, giới trí thức.” Để lí giải cho nhận định này Ông Quốc cho đưa ra lí do là: “Lý do đầu tiên là nhiều người, ngay trong nội bộ đảng, không chấp nhận tham vọng độc quyền viết hoặc viết lại lịch sử của nhà cầm quyền…” Tôi thử hỏi Ông Quốc rằng, với căn cứ đâu để ông nói trong nội bộ Đảng không chấp nhận tham vọng độc quyền viết hoặc viết lại lịch sử của nhà cầm quyền…Đọc đến đây tôi nghĩ rằng Ông Quốc cũng chỉ là kẻ chuyên có những suy luận viển vông, không căn cứ, mối liên hệ giữa các vấn đề mà ông suy luận hoàn toàn không có. Ông có một óc tưởng tượng đầy phi lý và kỳ ảo. Ông Quốc viện dẫn luận điểm để làm rõ lí do thứ nhất bằng một mớ ví dụ khó hiểu: “Họ muốn nói lên những sự thật mà họ từng nghe, thấy hoặc tham gia vào việc thực hiện. Ngày trước, có khi muốn nhưng người ta không dám bắt tay vào việc viết. Vì sợ. Sau ngày chủ nghĩa Cộng sản ở Nga và Đông Âu bị sụp đổ, người ta biết chắc những tiếng nói chính trực của mình, một lúc nào đó, sẽ được lắng nghe, bởi vậy, đâm ra tự tin và hứng khởi để làm việc hơn.” Nói về việc này, bản thân tôi không phủ nhận tính sát thực và khách quan của nó vì đơn giản ông Quốc không nêu lên một con người, một tư liệu lịch sử cụ thể nào. Hay chăng Ông Quốc đang khiến người đọc bị hoài nghi vào chính cách lập luận có phần không khoa học và không được rành mạch lắm của chính ông.
Ông Nguyễn Hưng Quốc tiếp tục viết: “Chính nhờ ba lý do kể trên, trong những năm vừa qua, chúng ta được đọc khá nhiều cuốn sách hay về lịch sử đương đại Việt Nam được nhìn từ nhiều góc độ và qua kinh nghiệm của nhiều người khác nhau. Trong số đó, nổi bật nhất là các cuốn Hồi ký 1940-1945 của Trần Văn Giàu, Hồi ký của một thằng hèn của nhạc sĩ Tô Hải, Hồi ký của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, Hồi ký không tên của Lý Quý Chung, Ký ức và suy nghĩ của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ, hồi ký Tôi bị bắt của nhà thơ Trần Vàng Sao, và gần đây nhất, cuốn Bên thắng cuộc, gồm hai tập, của nhà báo Huy Đức.”
Như đã luận giải ở bài viết trước, việc viết lịch sử là một công việc hệ trọng. Người tham gia viết và biên soạn lịch sử cần có những phẩm chất nhất định và họ phải có được những kỹ năng thuộc về chuyên môn để có thể hoàn thành công việc này. Chúng ta không thể tin tưởng hoàn toàn giao phó cho một người từng tham gia cuộc chiến tranh đó viết về lịch sử giai đoạn ấy bởi bất kỳ ai từng tham gia cuộc chiến dù ở quy mô nào đều mang trong mình định kiến, những suy nghĩ mang tính chủ quan, phiếm định. Họ không đáp ứng được yêu cầu khách quan trong quá trình tiến hành viết lịch sử. Mặt khác, chúng ta tiếp cận những tư liệu do những người trong cuộc mang lại với tư cách là những tài liệu tham khảo, những nhân chứng sống viết nên lịch sử. Đảng, Nhà nước luôn trân trọng và ghi nhớ những chiến công và tầm vóc nhưng nó không đồng nghĩa với việc họ được quyền viết lịch sử.
Chúng ta không phủ nhận những tư liệu được rút ra từ những cuốn hồi ký “Hồi ký 1940-1945” của Cố GS Trần Văn Giàu, Hồi ký của một thằng hèn của nhạc sĩ Tô Hải, Hồi ký của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, Hồi ký không tên của Lý Quý Chung, Ký ức và suy nghĩ của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ, hồi ký Tôi bị bắt của nhà thơ Trần Vàng Sao….nhưng những người viết, biên soạn lịch sử luôn hiểu rằng sản phẩm do họ tạo nên và phổ biến rộng rãi trong xã hội có sức ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài nên chúng ta không thể tùy tiện đưa vào những tư liệu từ những cuốn Hồi ký dù uy tín và ảnh hưởng của người viết ra có đến đâu. Chính những cuốn hồi ký có nhiều lí do khác nhau, có thể là do thời gian khiến những tư liệu không còn vẹn nguyên, thậm chí còn sai lệch. Cho nên, đạo đức, lương tâm của người viết lịch sử không cho phép họ tiếp cận một cách y nguyên. Có chăng, họ tiếp cận với tư cách là một kênh thông tin tham khảo mà thôi.
Riêng về cuốn “Bên thắng cuộc”, gồm hai tập, của nhà báo Huy Đức” thì đó là một sự xuyên tạc, xúc phạm trắng trợn, công khai về lịch sử dân tộc.
Để có thêm tư liệu về tác phẩm này, các bạn hãy vào những bài viết sau:
Và để kết thúc cho bài viết đầy tranh cãi của mình, Ông Nguyễn Hưng Quốc viết: “Người ta thường nói: Lịch sử luôn luôn được viết bởi những người chiến thắng. Điều đó nhất định là đúng. Nhưng có lẽ chỉ đúng với hai điều kiện: Một, những kẻ chiến thắng ấy nắm quyền cai trị một quãng thời gian dài, thật dài, đủ để rửa sạch mọi ký ức của cả cộng đồng (như các triều đại phong kiến ngày xưa); và hai, dân chúng hoàn toàn cam chịu im lặng, hoặc nếu không, cũng không có bất cứ phương tiện hay cơ hội nào để lên tiếng. Với cả hai điều kiện ấy, nhà cầm quyền Việt Nam đều không có. Họ có thể đốt sạch sách vở ở miền Nam nhưng lại không thể đốt chúng ở ngoại quốc, trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng như trong các thư viện lớn của thế giới. Họ có thể kiểm soát hệ thống báo chí và xuất bản trong nước nhưng lại hoàn toàn bất lực trước sinh hoạt báo chí và xuất bản ở hải ngoại, đặc biệt các sinh hoạt truyền thông trên mạng…”
Có thể nói, càng viết ông Nguyễn Hưng Quốc càng bộc lộ những điểm yếu, tử huyệt chết người trong tư duy của chính ông. Lịch sử không phải “luôn luôn được viết bởi những người chiến thắng” mà chỉ những người chiến thắng mới có tư cách viết lịch sử. Điều đó nói lên vị thế của người thắng cuộc (như Huy Đức từng nói). Hai điều này hoàn toàn khác nhau, Ông Quốc không thể hiểu được rằng, để giành được cái quyền viết lịch sử dân tộc, những chủ nhân của nước CHXHCN Việt Nam hôm nay từng đánh đổi những gì.
*********
****
Sau khi ̣đọc những gì ông viết trong bài này, tôi vẫn không thấy ông chứng minh được điều gì khác hơn là ăn vạ và vu vạ. Tất cả những gì ông viết trong bài này không ngoài mục đích để bao che, bạo biện cho cái lổ hỏng kiến thức của chính ông. Và ông đã thất bại hoàn toàn, ý định của ông thất bại thảm hại. Ông viết nhiều, ông hiểu và biết rất rõ bản chất nghiêm trọng của cái "lổ hỏng" mà ông đã phơi bầy cho mọi người thấy.
Ông tìm cách đổ vấy người ta viết lại lịch sử. Nhưng chính bản thân ông, ông đang tìm cách viết lại cái lịch sử mà ông không biết nó là cá gì. Ông đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng. Sai lầm này sẽ bám ông mãi mãi mà thôi.
Nên chăng trước khi hô hào cho việc “viết và viết lại lịch sử” thì Ông Nguyễn Hưng Quốc nên giành nhiều thời gian và công sức để cùng với những sử gia trong nước tìm hiểu, viết và biên soạn về các chủ đề lớn: Về lịch sử vùng đất phía Nam, nhất là Nam Bộ, về đô thị và quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, về các vùng văn hóa, các không gian văn hóa và mối giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế; về các mối quan hệ và quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; về mối quan hệ quốc tế, quá trình hội nhập và con đường phát triển đặc thù của Việt Nam…
HẾT