Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Chu Huy Mân (1913 – 2013)
Hải An
Trong số tướng lĩnh Việt Nam, Đại tướng Chu Huy Mân có niềm tự hào riêng, ông là vị tướng duy nhất có “thâm niên” tuổi Đảng trùng với “thâm niên” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng bao nhiêu tuổi, tuổi Đảng của ông cũng bấy nhiêu năm. Với những cống hiến to lớn đối với dân tộc, với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ông được Đảng, Nhà nước trao tặng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Đặc biệt ông là vị đại tướng duy nhất được Đảng, Nhà nước tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Lúc sinh thời để lý giải cho những người quan tâm về bí danh “Hai Mạnh” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt, Đại tướng Chu Huy Mân kể: 
“Cuối tháng 6/1967, trong lúc triển khai chuẩn bị chiến dịch Đắc Tô, trên gọi tôi ra Hà Nội kiểm tra sức khỏe vì sốt rét nhiều, gan có vấn đề. Từ Tây Nguyên, tôi sang Nông Pênh với hộ chiếu Hồ Thạch Châu-doanh nhân, bay sang Quảng Châu, về Hà Nội. Mấy hôm sau báo cáo tình hình với Bác Hồ.        
Sau khi nghe tôi báo cáo, Bác hỏi: - Chú ở Tây Nguyên làm cả nhiệm vụ chỉ huy và công tác chính trị phải không?
Tôi thưa với Bác: Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị chưa có cán bộ thay, cháu phải làm tạm cả hai nhiệm vụ.
Bác nói với tinh thần khẳng định và động viên: - Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt.
Về đến Tây Nguyên, sau khi nghe tôi nói lại câu chuyện, đồng chí thư ký Trần Quế liền nói đổi bí danh của tôi từ Hồ Thạch Châu sang “Hai Mạnh”. Từ đó trong các điện và công văn, tôi đều ký tên “Hai Mạnh".
Để tôn vinh công lao đóng góp của ôn với cách mạng nói chung và lực lượng Quân đội nhân dân anh hùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam đã phối hợp cùng với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân (17.3.1913 – 17.3.2013). Trong đó điểm nhấn là tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Chu Huy Mân với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”.

****
**
Để tìm hiểu rõ hơn về những đóng góp của vị Đại tướng tài ba, thao lược này, chúng ta hãy cùng ngược dòng lịch sử của một con người mà như Đồng chí Lê Khả Phiêu - Nguyên tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam từng đánh giá: “Không những về quân sự mà cả về chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, đồng chí Chu Huy Mân là một con người toàn diện, thực tiễn. Nói đến đồng chí Hai Mạnh hay đồng chí Chu Huy Mân là một con người rất thực tiễn. Thực tiễn của đồng chí Chu Huy Mân lại nói lên một con người rất quần chúng, phong thái rất quần chúng, gần dân, gần đồng chí, gần thực tiễn. Và rút ra được những cái quý báu từ thực tiễn đó, đề xuất vấn đề, xử lý vấn đề ấy. Có người đi sát thực tiễn nhưng không rút ra được vấn đề gì. Đồng chí Chu Huy Mân lại đi sát thực tiễn, am hiểu vấn đề và đề xướng được vấn đề cần phải giải quyết. Cái hay thì phát huy, cái dở thì khắc phục. Đấy là con người mà tác phong gần gũi cuộc sống. Mà gần gũi cuộc sống, mà đã gẫn gũi cuộc sống tức là gần gũi cuộc đời, mà gần gũi cuộc đời tức là phải gần gũi con người.”


Đại tướng Chu Huy Mân (1913 - 2006)

Ông sinh ngày 17-3-1913, tên thật là Chu Văn Điều, tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay thuộc xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Bí danh Chu Huy Mân được ông lấy từ tháng 5-1935 và đến nay mọi người hầu như chỉ biết đến cái tên này. 
Tại làng Yên Lưu nghèo khó bên dòng Lam giang, cách đây vừa tròn một thế kỷ, dòng họ Chu Văn đón thêm một nhân khẩu mới. Sinh ra trong thời điểm đất nước lầm than, người dân quê ông cũng như chính gia đình ông phải sống trong tủi nhục, đòn roi của chế độ thực dân phong kiến, ngay trong gia đình mình, người mẹ nghèo cũng đã phải cắn răng nuốt nước mắt khi phải bán đi hai người con gái đứt ruột đẻ ra, Chu Văn Điều sớm nhận ra rằng: chỉ con đường đấu tranh, chống lại thực dân phong kiến thì  mới thể giải phóng được cho mình, cho bà con nông dân quê mình. Bởi thế, chỉ mới 17 tuổi, nhưng khi phong trào cách mạng vừa mới được nhen nhóm, chàng trai trẻ Chu Văn Điều đã nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những người yêu nước, để tham gia gây dựng phong trào Xô Viết cùng nhân dân Nghệ Tĩnh.
Hàng ngày, Chu Văn Điều vẫn đi qua, về lại bên đôi bờ sông Lam này để hoạt động cách mạng. Lo sợ trước sức lan tỏa của phong trào Xô Viết, thực dân phong kiến đã bắt giam và tra tấn dã man các chí sĩ yêu nước. Đòn roi của chế độ không làm nhụt nhuệ khí của chàng trai trẻ họ Chu. Ngược lại, nó càng nhen nhóm thêm ngọn lửa yêu nước trong anh. Bà con chòm xóm bí mật gửi gạo, thức ăn chăm sóc, nuôi dưỡng, dành cho anh sự ngưỡng mộ về ý chí kiên trung của người đảng viên trẻ. Chu Văn Điều đã rút ra bài học về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, một nhân tố quan trọng hun đúc thêm nhân sinh quan cách mạng cho anh trên chặng đường đầy gian lao, thử thách phía trước. “Thằng Tây nó đánh đập dân mình dã man quá, có chết cũng phải chống lại nó” - chân lý đơn giản này cũng là lời phát biểu của tướng Chu Huy Mân sau này, khi ông có dịp gặp Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc.
Từ một đội phó Đội tự vệ đỏ của xã, một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam, Chu Văn Điều được bầu làm Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên lúc chỉ mới 23 tuổi. Ông tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống chế độ phong kiến thực dân tại quê nhà. Cùng thời gian này, ông đã đổi tên thành Chu Huy Mân. Từ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, Chu Huy Mân đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành. Ông sớm bộc lộ những tố chất và bản lĩnh của người lãnh đạo, người tổ chức vận động quần chúng của Đảng cũng như tài năng quân sự của mình.
Trước những đóng góp của người chiến sỹ yêu nước trẻ, từ năm 1937 đến năm 1940, thực dân Pháp đã nhiều lần bắt giam Chu Huy Mân ở nhà lao Vinh, đến năm 1940, chúng đưa đi giam ở Đắc Lay rồi Đắc Tô, Kon Tum. Trong nhà giam, địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn, cực hình nhưng không làm nản lòng người cộng sản. Nuôi chí hướng về đấu tranh giải phóng dân tộc, tháng 3 năm 1943, Chu Huy Mân cùng Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ và Hà Thế Hạnh tổ chức vượt ngục thành công. Từ đây, ông bắt liên lạc được với Ban Việt Minh tỉnh Quảng Nam, cùng tham gia tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền trong cao trào cách mạng tháng 8. Sau thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám, đồng chí Chu Huy Mân được bầu làm phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên chi đội tỉnh Quảng Nam. Sau đó, ông được Xứ ủy Trung kỳ giao nhiệm vụ làm Chủ tịch ủy ban kháng chiến khu C, Chính trị viên đường 9 - Nam Lào.
15 năm hoạt động trong thời kỳ cách mạng Việt Nam còn trong trứng nước, Chu Huy Mân luôn chứng tỏ bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cách mạng. Thời kỳ chống Pháp, bàn chân ông đã in dấu trên nhiều chiến trường từ Nam chí Bắc, giữ nhiều chức trách quan trọng trong quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, ở cương vị chính ủy sư đoàn 316, ông đã tham gia chỉ huy các trận đánh đồi A1, C1, C2, cùng với anh em chứng kiến giờ phút lịch sử toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Có mặt tại chiến trường Lào từ sau chiến dịch Điện Biên Phủ, với tư cách là cố vấn, chuyên gia giúp nước bạn, Chu Huy Mân đã cùng quân tình nguyện Việt Nam góp phần xây dựng lực lượng vũ trang Lào lớn mạnh, mở rộng vùng căn cứ, tổ chức nhiều chiến dịch lớn, giải phóng cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng và nhiều vùng đất quan trọng khác. Những cống hiến của chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đã được Đảng, chính phủ và nhân dân các bộ tộc Lào ghi nhận. Nhiều cán bộ Việt Nam, trong đó có đại tướng Chu Huy Mân vinh dự được trao huân chương Ít-xa-la và nhiều huân chương cao quý khác. Hình ảnh một vị tướng lĩnh quân đội có tài thao lược về quân sự, vững vàng về chính trị đã sống mãi trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hai nước Việt Lào.
Với những đóng góp, với tài thao lược về quân sự, năm 1964, tướng Chu Huy Mân được trung ương cử vào chiến trường khu 5, vùng đất ác liệt, gian khổ, nơi mà chính quyền Mỹ Ngụy đang áp dựng loại hình “chiến tranh đặc biệt” tại Việt Nam. Thời điểm này, địch tăng cường càn quét khắp nơi để đẩy lực lượng ta ra xa. Để đối phó với địch, tướng Chu Huy Mân lúc này với tư cách là trưởng đoàn kiểm tra của Đảng ủy quân sự Trung ương đã cùng đảng ủy quân khu 5 nghiên cứu tình hình và quyết định di chuyển bộ tư lệnh xuống vùng giáp ranh để nắm chắc tình hình chiến trường, chấp nhận sự nguy hiểm ác liệt để gần dân hơn.
Muốn đánh và thắng địch những trận lớn, phải có lực lượng mạnh. Tướng Chu Huy Mân và đảng ủy quân khu quyết định đưa những cán bộ ưu tú của quân khu xuống đơn vị, xây dựng những trung đoàn chủ lực với ý định sử dụng những đại đội của ta tiêu diệt những đại đội của địch. Để chuẩn bị cho chiến dịch khu 5, tướng Chu Huy Mân đã cùng đảng ủy quân khu mở hội nghị du kích chiến tranh. Mỹ đổ quân tới đâu, vành đai diệt Mỹ mở rộng tới đó. Những tay súng du kích của chúng ta luôn là nỗi ám ảnh hãi hùng của quân xâm lược. Trận đầu ở Kỳ Sanh, rồi đến Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Trà Khúc, Vạn Tường, Núi Thành, Ba Gia - nơi được xem là cuộc đọ sức giữa bộ đội giải phóng và quân chủ lực của địch, ta đã giành chiến thắng vang dội, làm rung chuyển tuyến phòng ngự của chúng. Liên tiếp những chiến thắng của ta đã làm nức lòng quân và dân khu 5, đánh dấu sự phá sản của loại hình “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Càng thua đau, Mỹ càng cay cú tìm cách trả đũa, đối phó, chúng đổ sư đoàn kỵ binh số 1 xuống An Khê, dồn dân, lập ấp chiến lược nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực Tây Nguyên. Tháng 7 năm 1965, tướng Chu Huy Mân được cử lên Tây Nguyên làm tư lệnh kiêm chính ủy mặt trận. Gặp gỡ cán bộ chiến sĩ tham gia chiến dịch Plâyme, ông nói: bộ tư lệnh mặt trận sẽ điều quân Mỹ tới đây cho các đồng chí đánh. Câu nói ấy tưởng như lời động viên, khích lệ bộ đội ta giữa chiến trường ác liệt, nhưng đó chính là kế sách mà sau này tướng Chu Huy Mân đã sử dụng trong các chiến dịch Plâyme, chiến dịch Sa Thầy với chủ trương dùng nghi binh, “lừa địch, dụ địch mà đánh”.
Suối Yamơ, thung lũng Yađrăng, làng Plâyme, sông Pôcô của huyện Chưprông tỉnh Gia Lai - những tên đất, tên làng, tên núi tên sông đã ngân lên với nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới như một bản anh hùng ca. Bằng sự mưu trí, tinh thông trong nghệ thuật quân sự, với khẩu hiệu “bám thắt lưng địch mà đánh”, tướng Chu Huy Mân đã chỉ huy quân giải phóng Việt Nam giáng những đòn chí mạng vào chính quyền Mỹ Ngụy.
Như một con ác thú giãy chết, vào cuối những năm 60, chính quyền Mỹ Ngụy đã dồn hết lực lượng, phương tiện chiến tranh ném bom hủy diệt miền Nam, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường khu 5. Trong tình thế ấy, tư lệnh kiêm chính ủy quân khu 5 Chu Huy Mân đã chủ trương đổi khẩu hiệu “chiến đấu và sản xuất” thành “sản xuất và chiến đấu”, ông đã bàn bạc với đảng ủy và đưa ra chủ trương: mỗi cán bộ, chiến sĩ phải trồng một gốc sắn làm lương thực đánh Mỹ. Hơn 30 triệu gốc sẵn đã trồng góp phần giữ vững cả một mặt trận. Không hoang mang, nao núng trước mọi tình thế, thận trọng, quyết đoán chính xác trong từng vấn đề, đó chính là tài thao lược của tướng Chu Huy Mân. Là tư lệnh kiêm chính ủy quân khu 5, ông đặt ra yêu cầu: mỗi cán bộ chiến sĩ phải mạnh về quân sự, vững vàng về chính trị. Từ phong trào ‘tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt” nhiều tập thể và cá nhân đã trở thành những tấm gương điển hình, được nhân rộng ra cả khu 5 và chiến trường miền Nam. Năm 1967, trong một lần ra thủ đô báo cáo tình hình chiến trường khu 5 với Bác Hồ, tướng Chu Huy Mân đã được Bác tiếp chuyện thân mật, biết ông là tư lệnh kiêm chính ủy, Bác cười vui nói: “chú gánh cả hai vai cho khỏe”. Từ đó, đồng đội của Chu Huy Mân đã gọi ông với cái tên thân thương: Anh Hai Mạnh.
Tướng Hai Mạnh trở thành nỗi khiếp đảm của Mỹ Ngụy trên chiến trường khu 5, mặt trận Tây Nguyên. Ông cầm quân đến đâu, kẻ thù thua chạy ở đấy, càng đánh càng lớn mạnh, lớp lớp thanh niên các dân tộc có mặt trong các sư đoàn chủ lực của khu 5 lập nên nhiều chiến công lớn, tạo thế và lực mới cho toàn chiến trường. Mùa xuân năm 1975, ở Tây Nguyên, với trận then chốt Buôn Ma Thuột, đã đẩy địch vào thế bị động chiến lược, có được những thay đổi phù hợp với tình hình. Với cương vị tư lệnh quân khu 5, đoán biết quân địch sẽ bỏ Tây Nguyên, tướng Mân bàn với bộ tư lệnh nhanh chóng tiến công vào thị xã Tam Kỳ, cắt đứt con đường thoát của chúng, tạo bàn đạp tiến công Đà Nẵng. Sau khi giải phóng Tam Kỳ, quân khu 5 phối hợp với cánh quân khác vào giải phóng Đà Nẵng, căn cứ liên hợp lớn nhất miền trung của địch. Chiến thắng này đã tạo thế và lực để quân đội ta mở cuộc tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Đế quốc Mỹ, một đất nước hùng mạnh về quân sự vào loại nhất thế giới đã phải thua trận hoàn toàn tại Việt Nam. Họ không thể tin được rằng: quân đội nhân dân Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của các tướng lĩnh, hầu hết đều xuất thân là nông dân áo vải như Chu Huy Mân lại có thể đối đầu và chiến thắng họ. Họ đâu biết rằng, những vị tướng - nông dân như Chu Huy Mân đã được trưởng thành chính từ trong phong trào cách mạng, được đào tạo chính trong môi trường chiến tranh ác liệt nhất, giữa lòng nhân dân Việt Nam yêu nước.
Chiến tranh kết thúc, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa trong hòa bình. Tướng Chu Huy Mân đã được bầu vào Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng trong các kỳ đại hội 4 và đại hội 5, giữ chức Chủ nhiệm tổng cục chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng nhà nước (nay là phó chủ tịch nước)… 10 năm giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, ông tiếp tục có những cống hiến đối với quân đội nhân dân Việt Nam với việc tham mưu cho Đảng ủy quân sự trung ương, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng khối quân đội vững mạnh. Lý tưởng cách mạng đã soi sáng ông trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ sống cho đất nước, vì đất nước. Mãi về sau, khi Đảng và Nhà nước đã cho ông nghỉ hưu, ông vẫn lặng lẽ cống hiến, cống hiến cho đến hơi thở cuối cùng.
Ở một góc khác của cuộc đời, Đại tướng Chu Huy Mân là người cũng phải kinh qua nhiều sóng gió, chịu đựng những mất mát mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Lớn lên trong một gia đình nghèo đến cơ hàn, bố mất sớm, mẹ phải bán các chị gái để kiếm tiền nộp sưu thuế cho chế độ thực dân phong kiến. Lúc trưởng thành, làm tướng lĩnh trong quân đội, chẳng mấy khi ông được về nhà, gần vợ, gần con, vì nhiệm vụ với đất nước còn đang đè nặng lên đôi vai. Và rồi người con trai của ông cũng đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào… Thế nhưng, gạt những đau thương, mất mát ấy vào trong, ông đã trở thành một điển hình của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam, đã để lại trong lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước và cháu con hình ảnh một vị tướng với tài năng, đức độ sáng ngời.
Hòa mình với quần chúng, lắng nghe tâm tư, ý kiến của mọi người, đó là nguyên tắc sống, làm việc của ông từ khi mới bước vào hoạt đông cách mạng. Ngay cả khi đảm trách những vị trí quan trọng của Đảng, nhà nước và quân đội, ông luôn là người luôn đem những hiểu biết và kinh nghiệm của mình, truyền thụ cho thế hệ sau. Gần một thế kỷ cống hiến cho đất nước, đôi bàn chân người lính đã đi qua nhiều nẻo đường gian nan của cách mạng. Dù miền xuôi hay miền ngược, lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi, chưa giây phút nào trong ông phai nhạt lý tưởng cộng sản. Ông là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương tiêu biểu của anh bộ đội Cụ Hồ.
Suốt cả cuộc đời Đại tướng Chu Huy Mân đã luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, chăm lo xây dựng mối đoàn kết gắn bó, hiệp đồng chiến đấu giữa Quân đội và Công an, động viên các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đồng chí là nhà quân sự - chính trị song toàn, người cộng sản trung kiên, mẫu mực; là người con ưu tú của và là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng để các thế hệ học tập, rèn luyện noi theo.
Trọn cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho dân tộc với 76 năm tuổi Đảng, 61 năm tuổi quân, Đại tướng Chu Huy Mân, vị đại tướng của quân đội nhân dân Việt Nam với cái tên Hai Mạnh - mạnh về chính trị, mạnh về quân sự sẽ sống mãi trong lòng cán bộ, đồng bào và đồng chí cả nước. Tác phong giản dị, gần gũi, đạo đức trong sáng, khiêm tốn, tinh thần dũng cảm, kiên cường của vị tướng áo vải là minh chứng cho sức mạnh Việt Nam. /.

20 nhận xét:

  1. Đại tướng là một vị anh hùng dân tộc. Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh đại tướng chúc đại tướng luôn khỏe mạnh để có thể thấy được sự đi lên mạnh mẽ của đât nước ta khi hòa bình

    Trả lờiXóa
  2. Đất nước ta đã sản sinh ra biết bao nhiêu là những anh hùng như địa tướng. Tự hào là người Việt Nam

    Trả lờiXóa
  3. Tôi xin được nghiêng mình trước Đại tướng Chu Huy Mân - Hai Mạnh. Nhờ có những con người chịu hy sinh cuộc sống của mình cho đất nước như đại tướng mà mới có một Việt Nam như ngày hôm nay. Luôn ghi nhớ những hy sinh và đóng góp của đồng chí.

    Trả lờiXóa
  4. lịch sử dân tộc ta có những vị anh hùng thật tài ba, cả cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

    Trả lờiXóa
  5. Một vị tướng tài ba đã làm quân địch khiếp sợ ,một nhân cách ngời sáng.Thật là đáng khâm phục.

    Trả lờiXóa
  6. đây cũng là 1 người con vĩ đại của Việt Nam ... lớp trẻ hãy nối dõi lòng dũng cảm của ông

    Trả lờiXóa
  7. tôn vinh công lao to lớn, những đóng góp của đại tướng cho đất nước.

    Trả lờiXóa
  8. đồng chí là con người thực tiễn, gần gũi với nhân dân, đúc rút từ thực tiễn để rút kinh nghiệm cho những lớp kế cận. đồng chí là tấm gương sáng cho thế hệ sau.

    Trả lờiXóa
  9. Nếu có vài vị tướng như ông hiện nay thì QDNDVN sẽ lớn mạnh hơn rất rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  10. Những vị tướng tài ba như thế này,đánh bại những tướng được đào tạo bài bản của địch ,xuất thân là những người nông dân yêu nướ.Thật là đáng khâm phục,cả về tài năng và tinh thần cách mạng của các vị!

    Trả lờiXóa
  11. Quân đội ta quả thực thật giỏi giang, là cái nôi của bao nhiêu vị tướng tài như ngài Võ Nguyên Giáp,... Tôi thực sự ngưỡng mộ và rất mực khâm phục với những vị tướng tài giỏi ấy.

    Trả lờiXóa
  12. Từ những vị tướng tài ba với tên tuổi đi vào lịch sử cho đến những anh hùng liệt sĩ mất trong chiến tranh mà vẫn chưa tìm lại được tên tuổi hay các bà các mẹ xưa kia vì chồng vì con làm hậu phương vững chắc đều là những anh hùng

    Trả lờiXóa
  13. những vị anh hùng tài ba như Ông Mẫn sẽ được ghi danh mãi vào lịch sử. Thật tự hào vì người Việt Nam ta thật tài giỏi không thua kém gì nước nào khác

    Trả lờiXóa
  14. mình thấy xấu hổ vì mình chẳng có tài cán gì cả. Hic, phải phấn đấu, cố gắng hơn thôi. Quyết tâm học và làm việc thật hăng say nào

    Trả lờiXóa
  15. lực lượng quân đội nhân dân của Việt Nam ta là lực lượng mạnh mẽ nhất, trung với Đảng, hiếu với dân. Sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của tổ quốc

    Trả lờiXóa
  16. Xin chúc cho những chiến sĩ quân đội luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tôi yêu bộ đội Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  17. lược lưỡng quân đội việt nam tuy ko được đánh giá là lực lưỡng mạnh nhất của thế giới nhưng chưa có lực lưỡng mạnh nào của thế giới nào đánh thắng cả,đáng tự hào về quân đội nước mình

    Trả lờiXóa
  18. khâm phục tài chỉ đạo tài tình của tướng Mẫn,biết boa trận đánh đều có mặt của tướng

    Trả lờiXóa
  19. Một vị tướng tài ba xứng đáng là một tấm gương sáng cho quân đội nhân dân Việt Nam học tập và noi theo

    Trả lờiXóa
  20. Việt Nam có rất nhiều vị tướng giỏi rất đáng tự hào.

    Trả lờiXóa

Blogger templates

Blogger news

Blogroll

Archive

Total Pageviews

Tổng số lượt xem trang

Ad

Follow us on Facebook :P

Your Page links

Được tạo bởi Blogger.

Blog Archive

Followers

Hot Topics